1. ĐẶT VẤN ĐỀ Du lịch dựa trên nền tảng cảnh quan tự nhiên kết hợp với các công trình kiến trúc nhân tạo đã và đang trở thành xu thế phát triển mạnh trên thế giới và tại Việt Nam. Du lịch trong nước thời gian qua đã đạt được nhiều thành tích to lớn đã được Đảng và Nhà nước ta đánh giá “Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế - xã hội nhằm góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phấn đấu từng bước đưa nước ta thành trung tâm du lịch, thương mại - dịch vụ có tầm trong khu vực”.

Hình 1. Vị trí Dự án và các đối tượng có thể bị tác động

Trong thời gian qua, nhiều thành phố du lịch ven biển tại Việt Nam đã và đang hình thành, góp phần phát triển kinh tế xã hội của cả khu vực như TP. Hạ Long, Đồ Sơn, Cửa Lò, Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu, Cần Giờ, Rạch Giá … TP. Vũng Tàu là một trong các thành phố du lịch có những bước phát triển du lịch mãnh mẽ, góp phần giải quyết được công ăn việc làm, khai thác tối đa nguồn tài nguyên theo hướng bền vững, tạo bộ mặt đô thị du lịch cảnh quan cho khu vực phía Nam.

Theo định hướng đó, Dự án “Cụm Dịch vụ ga cáp treo và thủy cung Hòn Ngưu” đã được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chấp nhận chủ trương gộp 2 dự án (Dự án Khu du lịch Bãi Trước - Hạng mục thủy cung đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt tại Quyết Định số 3666/QĐ-UB ngày 19/12/1998 và Dự án Khu Du lịch và Trạm ga số 1 Vũng Tàu đã được UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết Định số 7487/QĐ-UB ngày 28/12/1999) tại Văn bản số 3614/UBND-VP ngày 28/04/2017.

Dự án “Cụm Dịch vụ Ga Cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu” đã được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo Quyết định 1471/QĐ-UBND ngày 06/06/2018 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Do có những thay đổi về quy mô, diện tích nên Chủ đầu tư đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 15, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/2/2015 quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.

UBND tỉnh đã lập hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó có mời 2 chuyên gia tại thành phố Hồ Chí Minh làm ủy viên phản biện; sau đó giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức họp thẩm định 2 phiên, tiếp theo lấy ý kiến chuyên gia sau khi chủ dự án bổ sung, chỉnh sửa trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án.

Đây là dự án được dư luận, cộng đồng và xã hội hết sức quan tâm, nên theo Thông báo số 2134-TB/TV ngày 20 tháng 11 năm 2019 của Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu, với tư cách là ủy viên phản biện của Hội đồng thẩm định cấp tỉnh, tôi viết bài này để cung cấp thêm thông tin cho cộng đồng xã hội về các tác động chính của dự án tới môi trường và một số biện pháp giảm thiểu tác động.  

2. HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG ĐẤT VÀ CÁC HẠNG MỤC CÔNG TRÌNH DỰ ÁN

2.1. Hiện trạng sử dụng đất khu vực dự án

Trước hết phải khẳng định đây không phải là dự án mới mà là dự án đã đi vào hoạt động từ lâu. Dự án được chia thành 2 khu A và B (hình 1). Khu A là phần đã được san lấp có diện tích là 3,9ha (trong đó gần 1,9 ha là mặt đất, hơn 2ha là mặt nước). Hiện nay, tại Khu A đã có các công trình hiệu hữu đang hoạt động bao gồm: nhà ga số 1, khu nhà hàng, quán café, bến tàu, nhà vệ sinh công cộng, bãi đậu xe, đường nội bộ, khu vực tập kết chất thải rắn và chất thải nguy hại, trạm xử lý nước thải công suất 50m3/ngày.đêm, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện và thông tin liên lạc... Khu B là phần chưa san lấp của dự án có diện tích 3ha (trong đó có hơn 1ha là mặt nước). Chủ dự án sẽ tiếp tục san lấp 1,98ha để xây dựng hạng mục Thủy cung và một số công trình phụ khác. Sau khi hoàn thành thì dự án có phối cảnh như hình 2 dưới đây.

 

Hình 2. Phối cảnh các hạng mục công trình dự án

2.2. Các hạng mục công trình dự án

(1). Cơ cấu sử dụng đất của Dự án theo quy hoạch điều chỉnh:

Cơ cấu sử dụng đất của Dự án theo quy hoạch điều chỉnh được trình bày tại bảng 1.

Bảng 1. Cơ cấu sử dụng đất của dự án

STT

Loại đất

Diện tích (ha)

Tỷ lệ (%)

1

Đất xây dựng công trình

1,6267

23,48

2

Đất cây xanh và thảm cỏ

0,9214

13,32

3

Đất mặt nước và dịch vụ du lịch

3,2699

47,20

4

Đất giao thông - sân bãi

1,1088

16,00

 

Tổng cộng

6,9268

100,00

 

Theo bảng này thì diện tích xây dựng các công trình là 1,6267 ha trong tổng số 6,9268 ha (chiếm 23,48 % tổng diện tích của dự án). Với mật độ xây dựng như trên, và nhìn trên phối cảnh sau khi dự án hoàn thành tại hình 2, thì tác động của dự án tới cảnh quan khu vực bờ biển là có, nhưng tác động này là không lớn, có thể chấp nhận được.  

(2). Khối lượng nạo vét và san lấp

Trong quá trình xây dựng đê kè chắn sóng với chiều dài tuyến đê là 592,1m bao gồm 2 phần: đê mái nghiêng có tác dụng chắn sóng (dài 377,4m) và đoạn bãi tắm nhân tạo (dài 214,7m), cao độ đỉnh đê thiết kế là +4m, chủ dự án phải nạo vét khoảng 42.639 m3 vật liệu, tuy nhiên, phần lớn vật liệu nạo vét là đá mồ côi, được tái sử dụng ngay cho hoạt động xây kè chắn song, nên không phát sinh đất đá thải phải vận chuyển ra bên ngoài công trình.

Trong quá trình san lấp 1,98 ha mặt nước biển khu B, chủ dự án sẽ nạo vét, thu dọn khoảng 1.585 m3 vật liệu (chủ yếu là đá mồ côi); khối lượng san lấp (khoảng 70.951 m3) chủ đầu tư sẽ mua từ các nguồn lân cận dự án.

Quá trình nạo vét, thu dọn đá mồ côi, san lấp mặt bằng sẽ gây tác động ô nhiễm bụi, tiếng ồn; gia tăng độ đục của nước biển. Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, Chủ dự án đã trình bày đầy đủ các biện pháp nhằm hạn chế các tác động nêu trên.

(3). Các hạng mục công trình dự án

Dự án sau khi hoàn thành được chia thành 2 khu: Khu A  bao gồm nhà dịch vụ 23 tầng  (6.000m2), câu lạc bộ du thuyền 200m2, bến tàu du thuyền 10.280m2; trạm xử lý nước thải công suất 200m3/ngày.đêm (nâng cấp từ trạm xử lý nước thải hiện hữu). Khu B bao gồm : Tòa nhà thủy cung và dịch vụ thủy cung có 03 tầng cao (8.400m2), Khu dịch vụ thể thao 12.300m2, khu thể thao biển 5.306m2, khu hồ tắm nhân tạo (hồ tắm nước mặn 2.354m2 và hồ tắm nước ngọt 335m2, tháp canh an toàn 5m2, trạm xử lý nước thải công suất 120m3/ngày.đêm (xây mới).

Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, Chủ dự án đã trình bày đầy đủ các biện pháp nhằm hạn chế các tác động trong qua trình chuẩn bị, xây dựng và hoạt động của các hạng mục thuộc khu A và khu B.

3. CÁC TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG CHÍNH VÀ CÁC BIỆN PHÁP GIẢM THIỂU TÁC ĐỘNG

3.1. Tác động tới dòng chảy gây sạt lở

Quá trình xây dựng và hoạt động của các hạng mục công trình dự án (đê chắn sóng, tòa nhà thủy cung, nhà dịch vụ …) sẽ  làm thay đổi hướng dòng chảy ven bờ, dẫn tới nguy cơ gây sạt lở bờ. Để giảm tác động dòng chảy và sóng có thể sử dụng các khối bê tông triệt tiêu năng lượng sóng biển Tetrapod nặng từ 1T  đến 3T ở mặt ngoài đê chắn sóng và các công trình lấn ra biển (Xem biện pháp tương tự tại hình 3).

 

Hình 3. Các khối bê tông triệt tiêu năng lượng sóng biển Tetrapod

3.2. Tác động tới bồi lắng

Quá trình xây dựng và hoạt động của các hạng mục công trình dự án có khả năng gây bồi lắng khu vực biển ven bờ. Tuy nhiên, do hàm lượng TSS trong nước biển ven bờ rất thấp (18-22 mg/l) và do có dòng chảy ven bờ với vận tốc trung bình 0.6 m/s theo hướng Đông Bắc và 1.0 m/s theo hướng Tây Nam (Tốc độ lớn nhất là 1.48 m/s), nên khả năng bồi lắng không lớn.

3.3. Tác động tới thủy sinh

Quá trình chuẩn bị, xây dựng và hoạt động của các hạng mục công trình dự án có thể gây tác động tới thủy sinh. Tuy nhiên, do quy mô diện tích dự án không lớn, chủ dự án áp dụng các biện pháp thi công phù hợp (Nạo vét đá mồ côi, xây dựng bằng rọ đá, bê tông đúc sẵn …), nên gây độ đục thấp, vì vậy, tác động tới thủy sinh không lớn. Hơn nữa, các tác động tới thủy sinh chỉ xẩy ra trong giai đoạn chuẩn bị, xây dựng. Sau một thời gian hoạt động thủy sinh tại khu vực dự án có khả năng tự phục hồi.

4. MỘT SỐ KHU ĐÔ THỊ LẤN BIỂN THÀNH CÔNG TRÊN THẾ GIỚI VÀ TẠI VIỆT NAM

4.1. Một số khu đô thị lấn biến thành công trên thế giới

Trong thời gian qua có rất nhiều dự án lấn biển quy mô lớn đã được xây dựng thành công trên thế giới như (Dự án City of Miami - Florida, USA Dự án Quần đảo Thế giới (The World Islands), Đảo Cọ ở Dubai, Dự án Marina Bay (Singapore), Công trình đê biển Afsluitdijk (Hà Lan), Vịnh Manila (Philippines)) (Xem bảng 2 và các hình 4-9)và tại Việt Nam (Ví dụ : Dự án Rạch Giá (Kiên Giang)) (Xem các hình 10-11).

Bảng 2. Một số dự án đô thị lấn biển trên thế giới

STT

Tên dự án

Quy mô dự án

Ghi chú

01

Dự án City of Miami - Florida, Hoa Kỳ

Gồm các hòn đảo nhân tạo: Biscayne, San Marco, San Marino, Di Lido, Rivo Alto và Isle.

Thời gian thực hiện từ năm 1920

 

Đảo Isle

Diện tích : 3,974013 km2

Dân số : 1.755 người (tính đến năm 2010)

Xem hình 4

 

Đảo Brickell Key

Diện tích : 0,42 km2

Dân số : 2.189 người (tính đến năm 2010)

Xem hình 5

02

Dự án Quần đảo Thế giới nằm trong vùng biển vịnh Ba Tư, Dubai - Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất

Quần đảo nhân tạo được tạo ra từ 300 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau. Các đảo nằm trong khu vực có phạm vi 14.000 - 42.000 m2. Khoảng cách giữa các đảo trung bình khoảng 100 mét, các đảo được xây dựng từ 321 triệu mét khối cát và 31 triệu tấn đá.

Công bố từ tháng 5 năm 2003

03

Quần đảo Cây Cọ ở Duba, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

Ba hòn đảo đó là Palm Jumeirah, Palm Jebel Ali và Palm Deira. Hai đảo đầu tiên cần khoảng 100 triệu m³ đá và cát được đắp nên. Palm Deira cần 1 triệu m³ đá và cát.

Bắt đầu vào năm 2001, đến tháng 11 năm 2011, chỉ có Palm Jumeirah được hoàn thành (Xem hình 6).

04

Dự án Marina Bay ở Singapore

Marina Bay Sands một khách sạn 55 tầng với 2.590 phòng, 1 khu, triển lãm và hội thảo rộng 120.000m2, khu trung tâm mua sắm với 300 cửa hàng và một sòng bạc siêu hiện đại có diện tích 15.000m2.

Bắt đầu thi công xây dựng năm 2006, hoàn thiện năm 2010 (hình 7)

05

Công trình đê biển Afsluitdijk ở Hà Lan

Chiều dài hơn 32km, rộng 90m, độ cao ban đầu 7,25m trên mực nước biển trung bình.

Xây dựng từ 1927 đến 1933 (Xem hình 8)

06

Vịnh Manila – Philippins

Có diện tích 38,55km2, số dân khoảng 1.600.000 người

Xem hình 9

 

 

 

Hình 4. Đảo Isle 

Hình 5.Đảo Brickell Key

 

 

 

Hình 6. Hình ảnh Palm Jumeirah - Dubai

Hình 7. Quần thể công trình trên vịnh Marina-Singapor

 

 

 

 

Hình 8. Công trình đê biển Afsluitdijk ở Hà Lan

Hình 9. Vịnh Manila – Philippins

4.2. Một số khu đô thị lấn biến thành công tại Việt Nam

Dự án đô thị lấn biển Rạch Giá được Thủ tướng phê duyệt năm 1999, có tổng diện tích 420 ha. Đô thị lấn biển thu hút nhiều sự quan tâm của người dân do hướng nhìn biển thoáng đãng, cảnh quan rộng mở, không khí trong lành, được thụ hưởng nhiều dịch vụ như giải trí, điểm ăn uống, tham quan, thư giãn… Sau thành công từ dự án lấn biển đầu tiên vào năm 1999, năm 2015, TP Rạch Giá tiếp tục khởi công dự án lấn biển thành phố tại khu Tây Bắc với diện tích gần 100 ha và khu vực bãi bồi tự nhiên 16 ha. Các dự án lấn biển Rạch Giá đã giải quyết đất ở cho hơn 60.000 người dân và là nơi xây dựng các công trình công ích xã hội, khu hành chính cấp tỉnh, quảng trường, bệnh viện, trường học…Nằm trong chiến lược phát triển đô thị biển, tháng 7/2019 vừa qua, tỉnh Kiên Giang tiếp tục khởi động dự án lấn biển mới, với quy mô 68,68 ha, tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng, trong đó, giá trị đầu tư cơ sở hạ tầng là 1.516 tỷ đồng, giá trị đầu tư công trình 6.500 tỷ đồng với hơn 2.000 sản phẩm bao gồm nhà phố, Shophouse, căn hộ, biệt thự… Dự án khởi công ngày 29 tháng 7 năm 2019 và nằm ở vị trí trung tâm TP. Rạch Giá kế với Quảng trường Trần Quang Khải. Khi hoàn thành, khu lấn biển mới này được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm nhà ở, giải trí chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ở, vui chơi, giải trí của hàng chục nghìn người (Xem các hình 10-11).

 

 

Hình 10. Khu đô thị lấn biển Tp.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang sau 20 năm Hình 11. Dự án Rạch Giá, Kiên Giang

Ngoài ra, hiện nay tại Việt Nam có rất nhiều dự án có hoạt động lấn biển đã và đang triển khai thực hiện tại Quảng Ninh, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa, TP.Hồ Chí Minh .... Đối với mỗi dự án, các cơ quan chức năng đều yêu cầu xem xét kỹ về tác động môi trường trước khi cho dự án triển khai thực hiện. Thực tế cho thấy, đã có nhiều dự án tuân thủ nghiêm túc các quy định bảo vệ môi trường trong quá trình chuẩn bị, xây dựng và hoạt động, nên tác động tới môi trường đã được giảm thiểu đáng kể,  mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội và cộng đồng.

5. KẾT LUẬN-KIẾN NGHỊ

5.1. Kết luận

Trên cơ sở xem xét báo cáo đánh giá tác động môi trường do chủ dự án phối hợp với đơn vị tư vấn lập, đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định nghiêm túc và đã được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phê duyệt, chúng tôi nhận thấy, đây là một dự án được thực hiện ở vị trí phù hợp với quy hoạch phát triển ngành Du lịch của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung và TP.Vũng Tàu nói riêng. Dự án sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong khu vực và vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng của người dân, thúc đẩy các ngành kinh tế khác có liên quan phát triển, đồng thời góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Dự án đã được xây dựng và đi vào hoạt động giai đoạn 1, chủ dự án đã triển khai các biện pháp xử lý chất thải, bảo vệ môi trường nhằm hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực.

Do có những thay đổi về quy mô, diện tích nên Chủ đầu tư đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ dự án đã đánh giá được đầy đủ các tác động môi trường trong giai đoạn chuẩn bị, xây dựng và giai đoạn hoạt động của dự án, từ đó đề xuất được các biện pháp hạn chế thấp nhất tác động tới môi trường. Các biện pháp khống chế ô nhiễm và hạn chế các tác động có hại của Dự án tới môi trường đã được đề xuất trong báo cáo đánh giá tác động môi trường là những biện pháp khả thi, có thể đảm bảo các quy chuẩn môi trường Việt Nam.

5.2. Kiến nghị

Đề nghị Chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường, phòng chống sự cố môi trường, giám sát môi trường trong giai đoạn triển khai xây dựng và hoạt động của dự án nhằm tuân thủ các quy định pháp luật bảo vệ môi trường Việt Nam.

Kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, giám sát và hướng dẫn chủ dự án tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành của nhà nước và địa phương.

6. TÀI LIỆU THAM KHẢO

[01]. Quyết định số 1471 QĐ-UBND ngày 06/06/2018 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phê duyệt điều chỉnh QH chi tiết tỷ lệ 1/500 Cụm dịch vụ ga cáp treo và thủy cung Hòn Ngưu TP.Vũng Tàu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu;

[02]. Thuyết minh quy hoạch chi tiết 1/500 Dự án Cụm dịch vụ Ga cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu;

[03]. Báo cáo thẩm tra Hồ sơ Thiết kế thiết kế cơ sở cho công trình “Đê kè chắn sóng và san lấp mặt bằng giai đoạn 2 – Khu Thủy Cung” của Trung tâm nghiên cứu Công nghệ và Thiết bị Công nghiệp – Trường Đại học Bách khoa TP.HCM.

[04]. Công ty Cổ phần Du Lịch Cáp treo Vũng Tàu (2018). Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “Cụm Dịch vụ Ga Cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu” tại TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

[5]. Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án “Cụm Dịch vụ Ga Cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu” của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tác giả bài viết:
Nguồn tin: Chi cục Bảo vệ Môi trường
Đánh giá bài viết:

Mời bạn cho điểm!