Chiều ngày 02 tháng 11 năm 2020 vào lúc 14 giờ, Sở Tài nguyên và Môi trường có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại trụ sở làm việc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Văn Hải – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Đặng Sơn Hải – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Văn Cường – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Văn Lương – Phó Chánh văn phòng Thường trực BCH Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh và lãnh đạo các phòng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài nguyên và Môi trường.

Toàn cảnh buổi làm việc

Để trao đổi thông tin và thống nhất một số nội dung liên quan đến công tác quản lý tài nguyên môi trường trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi, làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn một số nội dung:

1. Trao đổi, thống nhất một số nội dung liên quan đến việc thực hiện thủ tục môi trường của các dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 618/TB-UBND.

2. Trao đổi các vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước đối với đất đai và hạn chế các quyền của người sử dụng đất ven các hồ đập; xác định rõ trách nhiệm về việc cắm mốc, xác định ranh giới bảo vệ hành lang an toàn hồ đập; chồng lấn ranh đất rừng.

3. Lộ trình xử lý, thời điểm chấm dứt hoạt động sản xuất bột cá trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Bí thư tỉnh ủy tại Thông báo số 7258-CV/TU ngày 26/3/2020; của UBND tỉnh tại Văn bản số 4054/UBND-VP ngày 23/4/2020.

Lãnh đạo của Sở Tài nguyên và Môi trường tham dự buổi làm việc

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham dự buổi làm việc

Tại buổi làm việc, hai bên đã có những ý kiến và kiến nghị như:

1. Về vấn đề liên quan đến lộ trình chấm dứt hoạt động Khu chế biến bột cá tại xã Tân Hải.

- UBND tỉnh đã giao cho Sở Công thương tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy tiến độ di dời các doanh nghiệp chế biến hải sản vào các cụm công nghiệp chế biến tập trung. Tỉnh ủy cũng đã có chỉ đạo cho UBND các địa phương, các sở, ngành một số nhiệm vụ cụ thể để thực hiện trong thời gian tới.

 - Trên địa bàn tỉnh hiện có 167 Cơ sở sản xuất, chế biến thủy, hải sản. Với sản lượng thành phẩm hàng năm khoảng 250 ngàn tấn hải sản các loại, tương ứng khoảng 600.000 tấn nguyên liệu/năm (trong đó nguồn phế phẩm từ chế biến hải sản chiếm khoảng 30%). Nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến bột cá hiện nay có 02 nguồn: Nguồn thứ nhất từ phế phẩm của các nhà máy chế biến và nguồn thứ hai là sản phẩm đánh bắt của tàu cá hoạt động nghề lưới kéo. Hiện nay, tỉnh đang triển khai Đề án chuyển đổi nghề ven bờ và nghề lưới kéo sang các nghề khác. Do vậy, thời gian tới sẽ chấm dứt số tàu lưới kéo. Để vừa tận dụng phế phẩm từ các nhà máy chế biến, vừa giải quyết bài toán ảnh hưởng môi trường. Dự kiến trong thời gian tới duy trì 04 nhà máy chế biến bột cá là đủ.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài nguyên và Môi trường đi đến thống nhất đề xuất UBND tỉnh cho ngừng các cơ sở chế biến bột cá ở Tân Hải. Đồng thời tính toán lại nguồn nguyên liệu phế phẩm phục vụ cho chế biến bột cá trên địa bàn tỉnh (chỉ chế biến, tiêu thụ phế phẩm nghề cá trên địa bàn tỉnh, không nhập nơi khác về để chế biến)

2. Về vấn đề chồng lấn ranh rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Hiện nay có khoảng 2.000 ha đất lâm nghiệp tại các huyện Châu Đức, Phú Mỹ, Xuyên Mộc, Long Điền, Đất Đỏ và thành phố Vũng Tàu thực quyền quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ và BQL khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu có một phần chồng lấn với đất người dân đang canh tác sử dụng. Theo quan điểm của Sở NN và PTNT: Trên cơ sở kết quả đo đạc, xác định vị trí chồng lấn ranh đất của các Ban Quản lý rừng làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh giải quyết theo từng trường hợp cụ thể. Theo quan điểm Sở Tài nguyên và Môi trường: Trên cơ sở kết quả đo đạc, kê khai đăng ký, các cơ quan chức năng phải xác minh làm rõ để xem xét cấp giấy cho dân, diện tích còn lại trả Nhà nước quản lý.

3. Về vấn đề liên quan đến ranh hồ, đập.

Tại buổi làm việc, hai Sở đã đi đến thống nhất một số nội dung liên quan đến đất xin cấp GCNQSDĐ lần đầu; đất đã cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức; đối với việc xử lý vấn đề chồng lấn ranh đất giữa các hồ đập với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, hai Sở sẽ phối hợp với các địa phương tham mưu phương án xử lý

Kết thúc buổi làm việc Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng thống nhất triển khai Xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành để kịp thời giải quyết các vấn đề có liên quan giữa hai Sở.

Tác giả bài viết: NTNN
Nguồn tin: Sở Tài nguyên và Môi trường
Đánh giá bài viết:

Mời bạn cho điểm!