Thời gian qua, tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid-19 và công tác phòng, chống dịch Covid-19 có dấu hiệu gia tăng. Các thông tin tiêu cực này đã làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng, chống dịch bệnh, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.

Để kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là thông tin liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, tránh tình trạng các trang mạng xã hội đưa thông tin thiếu chính xác, không đúng bản chất vụ việc, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có chỉ đạo về tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về Covid-19 trên mạng.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các phòng chuyên môn, cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, cử người phát ngôn chủ động cung cấp thông tin cho báo chí trong mọi tình huống đảm bảo thông tin được cung cấp nhanh nhất, không bị động, bất ngờ; tuân thủ kỷ luật phát ngôn, thống nhất đầu mối phát ngôn, tránh tình trạng cùng một sự việc nhưng lại phát ngôn không thống nhất dẫn tới việc bị suy diễn, xuyên tạc; trong trường hợp phát sinh sự việc đột xuất, sự cố bất thường thì chậm nhất sau 02 giờ, kể từ khi phát sinh sự việc nên cung cấp thông tin ban đầu cho báo chí, trong đó nêu rõ quan điểm chỉ đạo và giải pháp xử lý bước đầu sự việc (nếu có); thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, nhất là thông tin trên không gian mạng về công tác phòng, chống dịch tại địa phương để xử lý, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời khi phát hiện tin giả, tin sai sự thật, cần phối hợp với lực lượng công an, các lực lượng có liên quan kịp thời xác minh đối tượng phát tán tin giả, phối hợp với đơn vị chức năng của Sở Thông tin và Truyền thông để thẩm định nguồn tinh, công bố, cảnh báo tin giả, tin sai sự thật, chủ động xử lý nghiêm các đối tượng phát tán thông tin vi phạm pháp luật trên địa bàn thuộc thẩm quyền xử lý.

Trường hợp không xác định danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm thì thông báo với Sở Thông tin và Truyền thông, lực lượng công an các cấp để có biện pháp ngăn chặn nội dung vi phạm trên không gian mạng.

Nhằm hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh. Chúng ta hãy tuân thủ theo quy tắc ứng xử “tìm hiểu, tuân thủ các điều khoản hướng dẫn, sử dụng các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trước khi đăng ký, tham gia mạng xã hội; chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; không tung tin giả, tin sai sự thật; không quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội” của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” thì mỗi người dân chính là một chiến sĩ, không chỉ chiến đấu chống virus SARS-CoV-2, mà còn cần tỉnh táo, có trách nhiệm trước “virus số” tin giả để vừa có thể góp phần chiến thắng đại dịch, vừa xây dựng được một môi trường mạng văn minh, lành mạnh./.

Tác giả bài viết: NTNN
Nguồn tin: Sở Thông tin và Truyền thông
Đánh giá bài viết:

Mời bạn cho điểm!