Để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, mưa lũ, bão lớn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai về một số nhận định sớm tình hình và xu thế diễn biến thiên tai trong 3 tháng cuối năm 2021.

Theo nhận định tình hình thiên tai 03 tháng cuối năm 2021 của Tổng cục Khí tượng thủy văn - Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho thấy:

- Hiện tượng ENSO: Theo các dự báo hạn dài thì ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất khoảng 70-80% trong các tháng còn lại của năm 2021. La Nina thường làm gia tăng số lượng bão, áp thấp nhiệt đới và gây mưa nhiều hơn trung bình nhiều năm ở khu vực Trung Bộ.

- Bão, áp thấp nhiệt đới: Dự báo trong tháng 10 và tháng 11/2021 sẽ có nhiều ATNĐ, bão hoạt động trên Biển Đông. Trong 03 tháng cuối năm 2021, trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 05-07 cơn bão/ATNĐ, trong đó có khoảng 02-04 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Tháng 10 và 11/2021, mưa bão tập trung cao điểm ở khu vực Trung Bộ với lượng mưa được dự báo cao hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%.

- Nhận định tình hình lũ ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên: Đỉnh lũ năm 2021 tại hạ lưu các sông chính ở Thanh Hóa, Nghệ An ở mức báo động 1 (BĐ1) – BĐ2; các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ1-BĐ2 và có nơi trên BĐ3. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông Trung Bộ, Tây Nguyên khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất, các trận lũ lớn tập trung trong tháng 10, 11/2021.

- Nhận định tình hình nguồn nước và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long: Đỉnh lũ năm 2021 ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp (dưới BĐ1) và xuất hiện vào khoảng giữa tháng 10/2021; đỉnh lũ năm 2021 tại các trạm hạ nguồn sông Cửu Long ở mức BĐ2-BĐ2, một số trạm trên BĐ3, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại một số vùng trũng thấp, ven sông, đặc biệt tại Cần Thơ, Vĩnh Long.

- Tổng lượng dòng chảy trong những tháng mùa khô 2021-2022 từ thượng nguồn sông Mê Kông về hạ lưu và Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng thiếu hụt từ 15-25% so với trung bình nhiều năm; tình hình xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm và cao hơn trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, mùa mưa được dự báo kết thúc muộn, lượng mưa trong các tháng mùa khô tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm và có thể xuất hiện các đợt mưa trái mùa, nên tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng ít nghiêm trọng hơn mùa khô năm 2019-2020. Từ những cơ sở phân tích dự báo nêu trên cho thấy, diễn biến thiên tai 03 tháng cuối năm rất phức tạp do có sự kết hợp của nhiều loại hình thiên tai.

Trước một số nhận định tình hình diễn biến thiên tai phức tạp, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các phòng, cơ quan, đơn vị thuộc Sở thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo, các bản tin dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn, sử dụng bản tin dài hạn, từ xa để định hướng công tác ứng phó, sử dụng các bản tin ngắn hạn được cập nhật mới nhất, có độ tin cậy cao để chủ động triển khai các phương án ứng phó, phòng tránh cụ thể theo phương châm “4 tại chỗ”.

Để giảm thiểu rủi ro thiên tai cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng trong công tác phòng, chống thiên tai, góp xây dựng các phương án đảm bảm an toàn trước khi xảy ra thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19./.

Tác giả bài viết: HTTN
Nguồn tin: Tổng cục Khí tượng thủy văn - Bộ Tài nguyên và Môi trường
Đánh giá bài viết:

Mời bạn cho điểm!