Những năm gần đây, thiên tai trên thế giới và khu vực diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, là một trong những mối lo lớn nhất của nhân loại. Ở nước ta, thiên tai diễn ra nghiêm trọng có các yếu tố hết sức cực đoan, bất thường, khó dự báo với những thiệt hại nặng nề chưa từng có. Trước tình hình đó, cả xã hội đã vào cuộc, chung tay góp sức cho các hoạt động nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Mặc dù công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai của nước ta đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế tồn tại do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, thiên tai có diễn biến bất thường, cực đoan hơn về cường độ, thời gian, địa điểm xuất hiện và trái quy luật; nhiều nơi có mưa cục bộ cường độ lớn, mưa trái mùa, bão đổ bộ vào những nơi từ trước đến nay ít xuất hiện, dông lốc thường xuyên xảy ra gây thiệt hại cho hầu hết các khu vực trên cả nước.

Mặc khác, do một bộ phận chính quyền, người dân nhận thức về công tác phòng, chống thiên tai còn hạn chế nên chưa thực sự quan tâm đúng mức đến tổ chức bộ máy, lực lượng, cơ sở vật chất cho công tác phòng, chống thiên tai, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đào tạo hướng dẫn nâng cao nhận thức của cộng đồng … nên lúng túng khi có tình huống thiên tai xảy ra. Tình trạng dân làm nhà ở sát sông, kênh rạch, ven sông, suối, khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt ở đất ngày càng gia tăng; nhiều công trình cơ sở hạ tầng đã và đang làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai. Quản lý ruộng đất, quy hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ ở một số địa phương chưa chú trọng đến lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai. Phát huy vai trò của người dân trong chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu... là giải pháp quan trọng để giảm rủi ro, tổn thất, phát triển bền vững. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn người dân thiếu kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với một số loại hình thiên tai...

Nhằm thực hiện quan điểm, mục tiêu: “Phòng tránh là chính, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phổ biến các kiến thức, kỹ năng phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai và chủ động ứng phó với bão và mưa lớn trong mùa mưa bão, hạn chế thiệt hại tính mạng và tài sản của nhân dân. Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai đến các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu các kỹ năng ứng phó với thiên tai như sau:

- Theo dõi chặt chẽ, thường xuyên diễn biến của thiên tai như: Bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, nước biển dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, mưa đá, động đất, sóng thần, các loại thiên tai khác để phòng, chống kịp thời.

- Thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ; bình tĩnh ứng phó với mọi tình huống, bảo đảm an toàn cao nhất về người và phương tiện cứu hộ; chủ động gia cố nhà cửa, dự phòng lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các vật dụng thiết yếu khác khi mùa mưa bão đến.

- Tăng cường nhận thức, hiểu biết về thiên tai và công tác phòng, chống thiên tai, từ đó góp phần xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai./.

Tác giả bài viết: NTNN
Nguồn tin: Sở Tài nguyên và Môi trường
Đánh giá bài viết:

Mời bạn cho điểm!