Ngày Trái đất, diễn ra vào ngày 22 tháng 4 hàng năm, là ngày lễ thường niên được kỷ niệm rộng rãi nhất trên toàn cầu. Ngày Trái đất diễn ra lần đầu tiên vào 22 tháng 4 năm 1970, những năm sau đó, Ngày Trái đất được mở rộng và trở thành một sự kiện toàn cầu. Bây giờ, Ngày Trái đất đã lan tỏa đến hơn 192 quốc gia, với những chủ đề hành động thay đổi hằng năm, thu hút lượng lớn người hưởng ứng.

Hình ảnh hưởng ứng ngày Trái đất năm 2024

Chủ đề ngày Trái Đất 2024 được đơn vị tổ chức công bố là “Planet vs. Plastics” (tạm dịch là Trái Đất và nhựa). Để hưởng ứng chủ đề đó, Earthday.org cam kết chấm dứt việc sử dụng nhựa vì sức khỏe của con người và Trái Đất, giảm 60% sản lượng tất cả các loại nhựa vào năm 2040. Theo đó, một số hoạt động được tổ chức này đưa ra và phát động trên thế giới hãy hành động: 

- Sign the Global plastic treaty - tạm dịch là: Ký kết xử lý nhựa toàn cầu.

- Educate yourself on plastics - tạm dịch là: Tự tìm hiểu về nhựa.

- Reject fast fashion - tạm dịch là: Từ chối các mặt hàng thời trang nhanh.

- Join the great global cleanup - tạm dịch là: Tham gia các cuộc dọn dẹp toàn cầu.  

- Take a plastic quiz - tạm dịch là: Kiểm tra kiến thức của bạn về nhựa.

- Gắn hashtag #plastic detox challenge.

- Take a simple act of green - tạm dịch là: Thực hiện một hành động xanh đơn giản trong cuộc sống như trồng cây, phân loại rác,... 

- Your art our earth - tạm dịch là: Nghệ thuật của bạn về Trái Đất của chúng ta.

- Join the movement - tạm dịch là: Hưởng ứng các phong trào về môi trường. 

Năm 2024, Ngày Trái đất tập trung vào mối đe dọa mà nhựa gây ra cho môi trường của chúng ta, với chủ đề Planet vs Plastic đặt mục tiêu giảm 60% sản lượng nhựa vào năm 2040 và cuối cùng là xây dựng một tương lai không có nhựa cho các thế hệ mai sau.

Theo Earthday.org cho biết, hơn 500 tỉ túi nhựa - một triệu túi mỗi phút - được sản xuất trên toàn thế giới vào năm 2023. Nhiều túi nhựa chỉ được sử dụng trong vài phút, nhưng đã lưu lại suốt hàng thế kỷ. Ngay cả sau khi phân hủy, nhựa vẫn tồn tại dưới dạng vi nhựa, len lỏi vào mọi ngóc ngách của sự sống trên hành tinh.

Hiện các nước trên thế giới đang nỗ lực chấm dứt việc sử dụng nhựa, giảm thiểu tác hại mà ô nhiễm nhựa gây ra cho sức khỏe con người, động vật và đa dạng sinh học. Nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho thấy mỗi năm thế giới sản xuất 400 triệu tấn nhựa, ước tính khoảng 79% thải ra bãi rác/bãi chôn lấp hoặc thải ra môi trường, 12% đốt tại các lò rác và chỉ 9% được tái chế. Với mức tiêu thụ nhựa như hiện nay và hiện trạng quản lý rác thải nhựa không được cải thiện, đến năm 2050, trên thế giới sẽ có khoảng 12 tỷ tấn rác thải nhựa bị thải ra, gây ra ô nhiễm môi trường.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người của Việt Nam tăng rất nhanh, từ 3,8 kg/năm/người năm 1990 lên 41 kg/năm/người vào năm 2015 và hiện nay khoảng 54 kg/năm/người.

Việc tiêu thụ nhựa ngày càng nhiều dẫn đến gia tăng chất thải nhựa, tăng nguy cơ ô nhiễm trắng (là ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa và túi nylon gây ra), tăng sức ép tới hệ thống quản lý môi trường nếu không được quản lý hiệu quả, khoa học. Nhận thức rõ tác hại của chất thải nhựa đến môi trường và sức khỏe con người, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, tham gia nhiều diễn đàn và đẩy mạnh hợp tác quốc tế thể hiện sự chủ động và khẳng định quyết tâm giảm thiểu rác thải nhựa.

Đồng thời, để đạt được mục tiêu giảm 60% sản lượng nhựa vào năm 2040, Earthday.org nhấn mạnh vào 4 yếu tố:

Thứ nhất: Nâng cao nhận thức rộng rãi của công chúng về tác hại do nhựa gây ra đối với con người, động vật và đa dạng sinh học, tiến hành nhiều nghiên cứu hơn về ý nghĩa sức khỏe liên quan đến nhựa, thậm chí tiết lộ bất kỳ và tất cả thông tin liên quan đến tác động của nhựa cho cộng đồng được biết.

Thứ hai: Loại bỏ dần tất cả các loại nhựa sử dụng một lần vào năm 2030 và đạt được cam kết loại bỏ dần này trong Hiệp ước Liên hợp quốc về Ô nhiễm nhựa vào năm 2024.

Thứ ba: Yêu cầu các chính sách chấm dứt ngành công nghiệp thời trang nhanh và lượng nhựa khổng lồ mà ngành này sản xuất và sử dụng.

Thứ tư: Đầu tư vào công nghệ và vật liệu tiên tiến để xây dựng thế giới không có nhựa./.

Tác giả bài viết: NTNT
Nguồn tin: BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Đánh giá bài viết:

Mời bạn cho điểm!