Ngày 23 tháng 4 năm 2021, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu báo cáo giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường tại khu vực đầm nước trước Cống số 6, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ. Tham gia buổi họp có Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với các Lãnh đạo Sở, Ngành có liên quan.

Hình ảnh đầm nước trước Cống số 6, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ chuyển màu hồng

Từ ngày 24 tháng 3 đến đầu tháng 4 năm 2021, khi nhận được thông tin hiện tượng nước tại đầm trước công số 6 chuyển sang màu hồng, Sở Tài nguyên Môi trường đã thành lập đoàn khảo sát hiện trường vào ngày 02 tháng 4 năm 2021 để làm sáng tỏ vấn đề này, cũng như trả lời các câu hỏi liên quan.

Qua kết quả phân tích của Viện Sinh học nhiệt đới và Viện Môi trường và Tài nguyên cho thấy nguyên nhân xảy ra hiện tượng “Đầm nước màu hồng”, bốc mùi hôi trước cống số 6, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ là do sự phát triển mạnh của tảo lục D.salina, làm cho mật độ tế bào tăng cao, đồng thời trong tế bào tích lũy một lượng lớn sắc tố β-carotene, sắc tố này có màu hồng đỏ làm cho nước trong đầm có màu hồng. Nước màu hồng do tảo lục D. salina không sinh ra độc tố, không gây ảnh hưởng cho sinh vật và con người, ngược lại loài tảo này là loài có ích được các loài thủy sinh vật sử dụng như là một nguồn thức ăn. Tuy nhiên, do hàm lượng các chất hữu cơ lơ lửng trong nước và tích lũy trong trầm tích ở điều kiện trao đổi nước kém, tù đọng lâu ngày làm cho các vi sinh vật kỵ khí hoạt động mạnh dẫn đến phát sinh các mùi khó chịu.

Hình ảnh ghi lại quá trình chuyển màu của tế bào tảo Dunaliella Salina

Ngoài ra, nguồn gây mùi hôi cũng có thể từ:

- Do nước thải sinh hoạt từ các hộ dân, nước thải công nghiệp từ các nhà máy, xưởng sản xuất lân cận,...ngay từ khi mới xả thải đã có mùi hôi.

- Bên cạnh đó như đã đề cập ở trên, khi các thủy sinh vật và tảo D. salina chết đi sẽ phát sinh một lượng lớn chất hữu cơ làm tăng cường quá trình hoạt động của các vi sinh vật ở trầm tích đáy dẫn đến sinh ra thêm các mùi hôi trong nước.

Như vậy, mùi hôi đã hiện diện trước khi có “nước màu hồng” xuất hiện.

Cũng tại cuộc họp Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo kết quả khảo sát hiện tượng của Viện Sinh học nhiệt đới, đề xuất Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh 02 phương án để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại đầm nước trước Cống số 6, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, cụ thể là:

1. Màu sắc lạ của hồ do tảo D.salina không ảnh hưởng lớn, nên giữ nguyên hiện trạng hồ hiện tại và công bố rộng rãi thông tin để các cơ quan báo chí nắm bắt được thông tin, hiểu đúng hiện tượng tự nhiên, tránh dư luận và hoang mang trong xã hội.

2. Trường hợp không muốn màu sắc “hồng tím” kỳ lạ, có thể pha loãng nước muối trong hồ. Cải tạo môi trường trong đầm để giảm thiểu mùi hôi bằng cách tăng cường quá trình trao đổi nước với bên ngoài. Có thể chỉ cho nước vào một chiều khi triều cường và đóng cống kịp thời khi triều rút.

Bên cạnh đó cần thường xuyên theo dõi, quan trắc, nghiên cứu chất lượng nước đầm và các thủy vực lân cận nhằm hiểu rõ diễn biến quy luật hình thành “màu hồng trong nước”, sự thay đổi hàm lượng sắc tố β-carotene trong nước. Đối với màu hồng do vi tảo lục D. salina, cần có các nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ hơn quy luật phát triển của chúng. Đặc biệt, nghiên cứu sâu hơn thành phần vi sinh vật đáy tham gia vào quá trình phân thuỷ xác bả vi tảo và chất ô nhiễm nói chung ở khu vực này./.

Tác giả bài viết: NTNN
Nguồn tin: Sở Tài nguyên và Môi trường
Đánh giá bài viết:

Mời bạn cho điểm!