Sau cột mốc thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, với sự ra đời của nhà nước Việt Nam dân chủ Công hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 41- kết thúc hoạt động quản lý đất đai của thực dân Pháp, mở đầu cho hoạt động quản lý đất đai của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vào ngày 03 tháng 10 năm 1945. Ngày 11 tháng 6 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 850/QĐ-TTg lấy ngày 03 tháng 10 hàng năm là Ngày truyền thống ngành Quản lý đất đai Việt Nam nhằm ghi nhận những đóng góp của ngành đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ xây dựng và phát triển đất nước.

Trải qua 76 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, ngành quản lý đất đai đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giải phóng nguồn lực đất đai, đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từng là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành xong việc kiểm kê quỹ đất công, nâng cao hiệu quả việc khai thác, sử dụng nguồn lực từ đất đai góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Đây là kết quả có được từ công sức đóng góp, sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động… hoạt động trong lĩnh vực Đất đai trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh như sau:

1. Theo dõi, nắm bắt thông tin, diễn biến tình hình, kịp thời thực hiện các biện pháp quản lý đất đai trên địa bàn theo quy định của pháp luật: kịp thời tham mưu UBND tỉnh xây dựng các quy định về quản lý đất đai (quy định khảo sát giá đất cụ thể, quy trình bồi thường hỗ trợ tái định cư trên địa bàn tỉnh…).

2. Đôn đốc hoàn thành đúng thời hạn các quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch theo các Kết luận của Thường trực Tỉnh uỷ làm việc với Ban Thường vụ các huyện, thị, thành uỷ.

3. Tập trung nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai. Phải bảo đảm các Kết luận thanh tra, kiểm tra có kế hoạch khắc phục và kết thúc đúng hạn.

4. Thực hiện nghiêm việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý đất đai theo quy định. Rà soát, chấn chỉnh đội ngũ nhân sự làm công tác quản lý đất đai.

5. Khẩn trương chỉ đạo rà soát, nắm chắc địa bàn, kịp thời phát hiện, có biện pháp quyết liệt ngăn chặn ngay từ đầu các đối tượng vi phạm về đất đai hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo thẩm quyền.

6. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân các quy định của pháp luật về đất đai với nhiều hình thức, phương pháp linh hoạt, nhằm góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân trên địa bàn.

7. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức địa chính nhằm thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về đất đai, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn.

8. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đất đai, đặc biệt là công nghệ quản lý, khai thác bộ bản đồ và hồ sơ địa chính để đảm bảo công tác quản lý Nhà nước về đất đai được chính xác, kịp thời và đạt hiệu quả cao.

Tự hào với truyền thống và những đóng góp của ngành Quản lý đất đai trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, mỗi cá nhân tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ngành đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà./.

Tác giả bài viết: HTTN
Nguồn tin: Sở Tài nguyên và Môi trường
Đánh giá bài viết:

Mời bạn cho điểm!