Chuyển đổi số, bắt đầu từ những đột phá công nghệ số, nhưng chuyển đổi số không chỉ là công nghệ số, mà quan trọng hơn, chuyển đổi số là tiếp nhận cái mới, là cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức, thể chế, chính sách nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là thay đổi thói quen. Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là có nhận thức đúng. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức về chuyển đổi số là rất cần thiết.

Ngày 05 tháng 10 năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã cử 22 cán bộ, công chức, viên chức tại các phòng cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở tham gia chương trình bồi dưỡng về công nghệ thông tin năm 2021 do Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường tổ chức nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về chính phủ điện tử, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), an toàn, bảo mật, an ninh thông tin trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Chương trình bồi dưỡng được tổ chức trực tuyến với 03 nội dung như:

1. Bồi dưỡng kiến thức về an toàn, bảo mật, an ninh thông tin trên môi trường số

- Vai trò của việc đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin trong chuyển đổi số.

- Thực trạng và giải pháp tăng cường an toàn, bảo mật thông tin trên môi trường số.

- Các vấn đề đặt ra đối với việc bảo mật an toàn, an ninh thông tin trên môi trường số cho ngành tài nguyên và môi trường.

2. Bồi dưỡng kiến thức về cơ sở dữ liệu điện tử ngành tài nguyên và môi trường

- Cơ sở dữ liệu điện tử ngành tài nguyên môi trường.

- Tổng quan về dữ liệu lớn; các thách thức và cơ hội phân tích dữ liệu lớn.

- Các kỹ thuật và công cụ xử lý, phân tích dữ liệu lớn.

3. Bồi dưỡng kiến thức về chính phủ điện tử; chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường

- Tổng quan Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

- Chuyển đổi số Quốc gia và các vấn đề đặt ra đối với ngành tài nguyên và môi trường.

- Trí tuệ nhân tạo và ứng dụng cho các lĩnh vực ngành tài nguyên và môi trường.

Chuyển đổi số là khâu đột phá của ngành tài nguyên và môi trường, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin là khâu quan trọng quyết định sự thành công, không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có; tạo sự bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách số thông qua việc phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số chính là phục vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Đối với giải quyết thủ tục hành chính thì việc nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng là thước đo đánh giá kết quả của chuyển đổi số. Muốn làm tốt, đạt hiệu quả mạnh mẽ nhiệm vụ chuyển đổi số ngành hiện nay ngoài việc cần hiểu toàn diện khái niệm về chuyển đổi số, việc bồi dưỡng, học tập, nâng cao các kiến thức về lĩnh vực này cũng phải được song hành, thường xuyên./.

Tác giả bài viết: HTTN
Nguồn tin: Sở Tài nguyên và Môi trường