Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu năm 1989, sau lời kêu gọi của Đại hội đồng Liên hợp quốc để tôn vinh các nỗ lực và văn hóa toàn cầu trong đấu tranh sinh tồn với thiên tai và thúc đẩy mỗi cá nhân và Chính phủ các quốc gia chung tay xây dựng môi trường an toàn hơn trước thiên tai.

Từ năm 2009, Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai được tổ chức cố định vào ngày 13/10 hàng năm. ASEAN cũng lấy ngày này để kỉ niệm Ngày Quản lý thiên tai ASEAN. Theo Văn phòng Liên hợp Quốc về giảm nhẹ rủi ro thiên tai (UNDRR), chủ đề của năm nay tập trung vào mục tiêu của Khung hành động toàn cầu Sen-dai về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai là “Tăng cường hợp tác quốc tế để giúp các nước đang phát triển giảm nhẹ rủi ro và thiệt hại do thiên tai thông qua hỗ trợ phù hợp và bền vững để thực hiện các hành động cấp quốc gia nhằm hoàn thành các các mục tiêu của Khung Sendai vào năm 2030”.

Chủ đề “Tăng cường hợp tác quốc tế để giúp các nước đang phát triển giảm nhẹ rủi ro và thiệt hại do thiên tai” nhấn mạnh rằng trong bối cảnh toàn cầu nói chung và khu vực ASEAN nói riêng đang phải đối mặt với thảm họa chưa từng có là đại dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp trên quy mô toàn cầu. Để giải quyết các vấn đề mang tính liên quốc gia, cùng vượt qua thách thức “phòng, chống thiên tai trong đại dịch Covid-19” thì sự hợp tác quốc tế là rất cần thiết.

Cùng một lúc chúng ta phải thực hiện song song 2 nhiệm vụ là vừa phải tăng cường phòng, chống dịch Covid-19, vừa phải chủ động ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai. Nguồn lực để đáp ứng cho cả 2 nhiệm vụ này trong một thời điểm cũng là vô cùng khó khăn và căng thẳng vì khi xảy ra đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Đây cũng là thời điểm mà chúng ta nhận thức rõ ràng nhất về việc mỗi cá nhân trên toàn thế giới cần thay đổi nhận thức trong ứng xử với thiên nhiên, cùng chung tay trong ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai.

Khủng hoảng khí hậu, môi trường, sinh thái tự nhiên và đặc biệt là đại dịch Covid-19 là hệ quả của mô hình phát triển thiếu bền vững của con người và mọi quốc gia. Không gian sinh tồn của con người gắn liền với thiên nhiên, sức khỏe của thiên nhiên chính là sức khỏe của con người nhưng con người đang hủy hoại thiên nhiên bằng nhiều hình thức, từ khai thác đến bóc lột quá mức, không bền vững, thiếu trách nhiệm trong một thời gian dài để phục vụ các mục đích kinh tế. Vì vậy, đã đến lúc phải đưa vấn đề “phục hồi tự nhiên và các hệ sinh thái” là nội dung hàng đầu trong chương trình nghị sự của các diễn đàn ngoại giao, chính trị, kinh tế; là tiêu chí và tiêu chuẩn đạo đức trong ứng xử với thiên nhiên, ở mọi cấp từ lãnh đạo cao nhất cho đến mọi người dân.

Để giảm thiểu rủi ro thiên tai cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng trong công tác phòng, chống thiên tai, góp xây dựng các phương án đảm bảm an toàn trước khi xảy ra thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Mỗi hành động dù là nhỏ nhất đều có khả năng mang đến tác động vô cùng lớn, góp phần nâng cao nhận thức và tạo động lực cho sự tham gia của toàn xã hội./.

Tác giả bài viết: HTTN
Nguồn tin: Sở Tài nguyên và Môi trường
Đánh giá bài viết:

Mời bạn cho điểm!