Ngày 22/02/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh có Quyết định số 588/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2021-2025.

Trong đó mục tiêu đặt ra trong năm 2022 đối với thanh toán không dùng tiền mặt trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh đạt 80%. Giao dịch nộp thuế, phí, lệ phí,... tại địa bàn đô thị thực hiện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt là 85-90%. Cơ sở giáo dục, hóa đơn tiền điện trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt là 80-90%. Học sinh, sinh viên, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị thanh toán bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt là 70-80%. Số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp, hóa đơn tiền nước trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt là 60-70%.

Thanh toán không dùng tiền mặt là hình thức thanh toán thông qua các phương tiện khác không phải tiền mặt như tài sản, chứng chỉ có giá trị tương đương. Nghĩa là người tiêu dùng có thể sử dụng các giấy tờ có giá (chứng khoán, chứng chỉ tiền gửi…), tài sản hữu hình (không phải vàng, bạc) hoặc sử dụng công cụ để thanh toán, nhưng chủ yếu thông qua các tổ chức tín dụng thay vì người tiêu dùng và người bán trực tiếp trao đổi với nhau hiện nay.

Bản chất của hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chính là hạn chế lượng tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế, giảm thiểu chi phí xã hội. Hoạt động này sẽ trực tiếp làm giảm số lượng tiền mặt đang được lưu hành trên thị trường hàng hóa bằng cách khuyến khích từng người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt. Người tiêu dùng có thể sử dụng các dịch vụ thu chi, thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến mà không làm thay đổi giá trị tiền mặt tương đương. Có sự xuất hiện của tiền mặt hay không chính là sự khác biệt lớn nhất giữa hai hình thức thanh toán bằng tiền mặt và không dùng tiền mặt.

Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích, phổ biến kiến thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở cơ quan, đơn vị; tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện tốt việc thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là việc chi trả tiền lương, các loại phí/lệ phí dịch vụ công, dịch vụ tiền điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí và các dịch vụ an sinh xã hội khác.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thanh toán nghĩa vụ tài chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; tuyên truyền, hướng dẫn bằng Video Clip tại địa chỉ https://www.youtube.com/watch?v=Na_lbl37IcA.

Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia

Đồng thời, đề ra các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt bằng các hình thức như: mã QR, website thanh toán, chuyển khoản qua ứng dụng ngân hàng,...Hoặc truy cập tại địa chỉ https://www.vban.vn để sử dụng thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền (VNPAY) đối với các dịch vụ như: nạp tiền điện thoại; nạp tiền sử dụng dữ liệu mạng 3G, 4G; thanh toán hóa đơn điện, nước, truyền hình cáp, mạng Internet,... chấp nhận thanh toán hầu hết các tài khoản ngân hàng hiện có trên thị trường.

Trang Website VNPAY

Hoạt động này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia: người tiêu dùng, người bán hàng, tổ chức tín dụng và tổng thể nền kinh tế. Cụ thể:

1. Đối với cá nhân

- Nhanh chóng, an toàn: Nhanh chóng thanh toán cho các giao dịch có giá trị lớn, các giao dịch ở xa. An toàn vì tránh được các rủi ro mang tiền mặt như mất cắp; an toàn vì tránh được các rủi ro vật lý như rách, mất góc không thể sử dụng.

- Chính xác: Chính xác số tiền cần thanh toán, nhất là khi phải trả các khoản lớn, số lẻ.

- Tiết kiệm: Người tiêu dùng có thể nhận nhiều khuyến mãi từ người bán cũng như ngân hàng hơn. Thường xuyên được giảm giá khi thanh toán bằng thẻ ngân hàng, các chương trình khuyến mãi sẽ được người bán liên tục “tung” ra thị trường để khuyến khích tiêu dùng.

2. Đối với tổng thể kinh tế

- Giảm chi phí xã hội: Giảm chi phí in ấn tiền, vận chuyển và kiểm đếm hay bảo quản tiền.

- Giảm lạm phát: Số lượng tiền mặt lưu thông là một yếu tố tác động trực tiếp tới lạm phát.

- Góp phần thiết thực phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố./.

Tác giả bài viết: NTNN
Nguồn tin: Sở Tài nguyên và Môi trường
Đánh giá bài viết:

Mời bạn cho điểm!