Ngày 04/8/2022, Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tham dự Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại Hà Nội.

Toàn cảnh Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V

Trong những năm qua, nắm bắt thuận lợi, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, nhất là tác động của dịch bệnh và thiên tai liên tiếp xảy ra, đất nước ta đã duy trì những bước phát triển tích cực va bền vững. Cùng với sự phát triển của kinh tế, bảo đảm và cải thiện an sinh xã hội, công tác bảo vệ môi trường cũng luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và đã thu được những kết quả quan trọng. Vai trò của công tác bảo vệ môi trường đã được nhìn nhận ngang tầm với các vấn đề về tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Tiếp nối thành công của Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V nhằm tổng kết, đánh giá kết quả đạt được, những bài học kinh nghiệm trong công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 - 2022, đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho công tác bảo vệ môi trường ở nước ta trong thời gian tới.

Thông qua kết quả công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 – 2022 và báo cáo nhận diện thách thức, cơ hội và định hướng công tác bảo vệ môi trường giai đoạn tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết:

Giai đoạn 2016 – 2020 đánh dấu một bước tiến lớn trong công tác hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Trước yêu cầu phát triển của đất nước, kiến nghị, nguyện vọng của nhân dân, ngay từ những năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm toàn ngành đã rà soát, đánh giá thực tiễn, xác định đúng vấn đề cần sửa đổi, bổ sung của chính sách, pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trên cơ sở đó trình Chính phủ ban hành theo thẩm quyền các quy định pháp luật nhằm thiết lập hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ môi trường, kiến tạo cho phát triển.

Bảo vệ chất lượng các thành phần môi trường được xác định là nền tảng và mục tiêu hình thành và duy trì các hoạt động kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường. Do đó, giai đoạn 2016 - 2022, công tác quản lý chất lượng các thành phần môi trường đã được chú trọng, chuyển dần từ cơ chế bị động sang chủ động phòng ngừa kiểm soát, giám sát ô nhiễm. Việc quy định xem xét “yếu tố nhạy cảm về môi trường” lần đầu tiên được Luật hóa khi phân loại dự án đầu tư nhằm ngăn chặn ngay từ khâu hình thành nguồn ô nhiễm.

Chất lượng môi trường không khí có xu hướng cải thiện trong giai đoạn 2016 - 2018; năm 2019, xuất hiện một số đợt có chất lượng kém tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; năm 2020 chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình; trong thời kỳ giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, chất lượng không khí tại các đô thị lớn có xu hướng tốt hơn.

Đến nay, các thành phần môi trường nước mặt lục địa tại các lưu vực sông vẫn duy trì chất lượng tốt, khá tốt ở phần trung lưu, thượng lưu; chỉ còn một số đoạn sông chảy qua nội đô, nội thị hoặc các khu vực tập trung phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề còn cục bộ ô nhiễm. Môi trường nước dưới đất có chất lượng tương đối tốt, tuy nhiên, cũng đang phải đối mặt một số vấn đề như cạn kiệt, xâm nhập mặn trong các tầng chứa nước nhạt ở một số khu vực…Môi trường nước biển và hải đảo có chất lượng khá tốt, chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm mặc dù phải chịu tác động mạnh của các hoạt động phát triển cảng biển, hoạt động nuôi trồng thủy hải sản hay hoạt động phát triển du lịch biển.

Đặc biệt trong giai đoạn 2016 - 2022, các chương trình bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ (voi, hổ, linh trưởng, rùa) và các loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ đã được xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là cơ sở để các cơ quan quản lý và các tổ chức bảo tồn triển khai các hoạt động bảo vệ và bảo tồn loài.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo vệ môi trường nước ta vẫn đứng trước nhiều nguy cơ và thách thức, cụ thể là:

Thứ nhất, tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học mặc dù đã được kiểm soát song vẫn diễn biến phức tạp, một số nơi, khu vực vẫn ở mức đáng báo động; đặc biệt nổi lên là ô nhiễm tại một số làng nghề, ô nhiễm không khí tại một số thành phố lớn.

Thứ hai, hạ tầng cho công tác bảo vệ môi trường mặc dù đã được đầu tư, song vẫn còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tại các đô thị rất thấp, hầu hết các khu dân cư nông thôn chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Số lượng các trạm quan trắc không khí tự động liên tục còn chưa tương xứng, chưa đáp ứng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu quản lý trên thực tế, dẫn đến thiếu thông tin cho việc dự báo, cảnh báo.

Thứ ba, khối lượng chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh ngày càng lớn, cơ cấu thành phần phức tạp, trong khi đó, công tác quản lý còn nhiều hạn chế. Nhiều loại chất thải công nghiệp, hóa chất nguy hại, bao bì thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu, chưa được xử lý triệt để hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu. Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn chưa được thực hiện trong giai đoạn vừa qua và hiện nay mới đang bắt đầu chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện theo tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới. Hội nghị đã thống nhất Quan điểm chung, đề ra mục tiêu và giải pháp để biến những tồn tại, thách thức nêu trên thành cơ hội, tận dụng những ưu thế để thực hiện thành công các mục tiêu đã được Đảng và Nhà nước đề ra cho công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn tới, nhất là giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo./.

 

Tác giả bài viết: NTNN
Nguồn tin: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Đánh giá bài viết:

Mời bạn cho điểm!