Toàn cảnh Hội thảo
Đồng chủ trì hội thảo có ông PGS.TS. Tạ Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, TS. Nguyễn Song Tùng - Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn và ông Phạm Quốc Đăng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tham dự hội thảo có hơn 150 đại biểu đến từ các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ/ngành, tổ chức chính trị - xã hội, Sở TN&MT các tỉnh/thành phố, đại diện các tổ chức quốc tế UNDP, WWF tại Việt Nam, Đại sứ quán Đan Mạch, đại diện huyện ủy/UBND các huyện đảo, cơ quan/viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, các nhà khoa học... trong cả nước.
Theo PGS.TS Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, trong những năm qua, nhiều địa phương ở nước ta đã nhận thức được những giá trị, lợi ích từ bảo vệ môi trường, từ tái chế chất thải nên đã thực hiện nhiều mô hình phân loại chất thải tại nguồn, đồng thời có những giải pháp để tái sử dụng chất thải làm nguyên liệu sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm tái chế từ chất thải. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội đã làm gia tăng lượng chất thải sinh hoạt. Theo số liệu, ước tính mỗi ngày cả nước phát sinh trên 60.000 tấn chất thải sinh hoạt nhưng chỉ có khoảng 15% lượng rác thải thu gom được tái chế hoặc tái sử dụng. Số còn lại bị chôn trong các bãi chôn lấp rác, thải ra nguồn nước hoặc đốt tiêu hủy thông thường.
Ông Phạm Quốc Đăng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Quốc Đăng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để bảo đảm mục tiêu phát triển của tỉnh theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, để việc phân loại tại nguồn, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đi vào cuộc sống thiết thực đối với tổ chức, cá nhân, thì phải có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và từng người dân. Và theo như lời phát biểu của ông Pham Quốc Đăng: "Thông qua hội thảo, tôi mong muốn được tiếp thu, chia sẻ kinh nghiệm từ các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, nhà đầu tư trong việc thực hiện các nội dung, cách làm hay, bài học kinh nghiệm về phân loại rác tại nguồn, thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt của các địa phương trong cả nước. Sự kiện càng có ý nghĩa hơn khi việc phân loại rác tại nguồn bắt buộc phải thực hiện từ ngày 01/01/2025"
Kết thúc Hội thảo – chụp ảnh kỷ niệm
Tại hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà đầu tư, doanh nghiệp tập trung thảo luận, chia sẻ về một số mô hình, giải pháp, kinh nghiệm của các địa phương trong thực hiện chính sách, quy định phân loại rác tại nguồn; đánh giá các kết quả, vấn đề còn tồn tại trong thực hiện các mô hình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với các huyện đảo, xã đảo và vùng ven biển. Từ đó, đề xuất các giải pháp về chính sách quản lý, giải pháp xây dựng mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên đảo và vùng ven biển phù hợp với quy định.